26 thg 12, 2012

Làm giàu từ Poker

0 nhận xét

Khuyến cáo: Đừng đọc nếu bạn không thích về làm giàu, kinh doanh, marketing, thương hiệu, văn hóa, HR và bài Poker… đặc biệt là bạn không quan tâm đến tiền thì càng không cần phải đọc.
Tỷ phú bán giày” (tựa tiếng Anh là Delivering happiness)  - Tony Hsieh (CEO của Zappos.com – một công ty thương mại điện tử bán giày trực tuyến, được Amazon mua lại với giá 1,2 tỷ Đô la trong năm 2009) là 1 trong những quyển sách hay nhất mà tôi từng đọc về lập nghiệp, kinh doanh và cả về xây dựng văn hóa, thương hiệu cho một tổ chức.
Và cũng có thể nói, đây là quyển sách mà Alphabook dịch hay nhất trong hàng trăm quyển mà họ đã xuất bản (đây là quan điểm cá nhân tôi), có lẽ quyển sách được anh Nguyễn Cảnh Bình (CEO alpha books) và anh Thái Sơn (Sáng lập tiki.vn) đặc biệt chú ý và giám sát khâu biên dịch một cách kỹ càng để đảm bảo truyền tải được nội dung chia sẻ tuyệt vời của Tony qua từng câu chữ.
Tỷ phú bán giày – Hành trình đi tìm ra chân lý của Hạnh phúc, đam mê & lợi nhuận
Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về quyển sách, tôi nghĩ đây là lời nhận xét tốt và dễ hiểu nhất dành cho bạn
Tôi sẽ không nên tiết lộ gì thêm về nội dung quyển sách, các bạn hãy tự tìm đọc và tận hưởng 100% những bất ngờ và hồi hộp theo dõi chặng đường kinh doanh đầy hào hứng của Tony (câu này tôi chôm lời tựa của anh Sơn để chia sẻ lại cho các bạn, he he).
Vậy bài viết này có gì?
Sách có quá nhiều điều hay ho thú vị đến nỗi khi lựa chọn chia sẻ, tôi chẳng biết bắt đầu từ đâu. Tuy nhiên, giả sử tôi đang ở trong một tình thế không lối thoát, khi mà một gã điên nào đó dí khẩu 6 phát vào trán và bắt tôi kể cho gã nghe phần mà tôi cảm thấy hay ho nhất, thì có lẽ tôi sẽ kể phần mà Tonychia sẻ về bài Poker.
Đó là một thời điểm vào năm 1999, Tony vừa mới bắt đầu cuộc phiêu lưu với Zappos với vai trò là một nhà đầu tư và là nhà cố vấn. Anh đang có hàng núi tiền (hàng chục triệu USD) có thể sử dụng đến hết đời mà không phải làm gì cả. Trong một đêm mất ngủ và lang thang trên internet, anh ta đã bén duyên với Poker.
Ở đại học, Tony cũng đã từng chơi trò này rồi, nhưng anh ta luôn nghĩ rằng chơi poker thì cần đến may mắn, có thể là lừa bịp và biết đọc vị người khác, thì sẽ có được chiến thắng. Tuy nhiên, sau khi đọc thông tin tìm hiểu qua những phân tích của những tay chơi poker chuyên nghiệp và nghiêm túc, Tony đưa ra những thông tin ban đầu thú vị như sau:
  1. Ngoại trừ poker, hầu hết các trò chơi trong một sòng bạc điển hình đều được sắp xếp để triệt hạ người chơi, và về lâu về dài, nhà cái luôn thắng.
  2. Riêng Poker, bạn sẽ thi đấu với các đối thủ khác chứ không phải nhà cái, sòng bạc chỉ thu phí cho mỗi ván chơi, và nếu bạn đủ giỏi, bạn sẽ có rất nhiều tiền.
  3. Tại sòng bạc, mỗi bàn chơi poker sẽ có khoảng 10 người. Tony cho rằng miễn là có một người chơi không biết cách chơi, thì những người chơi khôn ngoan khác sẽ giành chiến thắng.
  4. Poker rất dễ học cách chơi, nhưng không dễ để trở thành người chơi giỏi.
Có sự khác biệt gì giữa người hiểu được Poker và người không? Tony cho rằng hiểu được những cách tính toán đằng sau trò chơi cũng giống như biết được xác suất đồng xu sẽ có mặt ngửa là 1/3 và mặt sấp là 2/3 (tôi vẫn chưa kiểm chứng lại thông tin này, nhưng nếu Tony đúng, điều đó có nghĩa là muốn chiến thắng, về lâu về dài cứ đặt cho mặt sấp).
Tony chia sẻ rằng, một trong những điều thú vị nhất khi chơi poker là học được nguyên tắc “ Không được nhầm lẫn giữa quyết định đúng đắn với kết quả từng ván”. Điều này có nghĩa là, khi người chơi thắng một ván, họ cho rằng họ đã cược đúng, khi thua, họ cho rằng họ cược sai. Đúng sai ở đây chỉ là kết quả từng ván, điều quan trọng là bạn phải hiểu quy luật của đồng xu và luôn đặt cược vào mặt sấp bất kể lần búng đồng xu trước có kết quả ra sao (một quyết định đúng đắn và mang tính chiến lược).
Điều quan trọng, Tony rút ra được những điểm tương đồng rất thú vị của một  chiến lược chơi bài poker tốt và một chiến lược kinh doanh tốt, và đây là những điều mà Tony chia sẻ (tóm tắt):
1. Đánh giá cơ hội thị trường trước khi kinh doanh:
-          Lựa chọn bàn chơi là quyết định quan trọng nhất hơn tất cả những quyết định khác.
-          Có thể thay đổi bàn chơi khi bạn nhận ra rằng khó có thể chiến thắng đối thủ
-          Nếu có quá nhiều đối thủ, thì ngay cả khi bạn là người giỏi nhất, bạn cũng khó có cơ hội giành chiến thắng.
2. Marketing và xây dựng thương hiệu:
-          Hãy định hình suy nghĩ của mọi người về bạn
-          Hãy hành động nhẹ nhàng khi đang sung sức, hành động sung sức khi mình đang yếu ớt. Biết nhận ra thời điểm để giả vờ.
3. Các vấn đề về tài chính:
-          Người luôn giành chiến thắng trong hầu hết các ván bài không phải là người có thể kiếm được nhiều tiền về lâu về dài.
-          Người chưa bao giờ thua ván nào không phải là người có thể kiếm được nhiều tiền về lâu về dài.
-          Hãy hành động vì những giá trị tích cực được kỳ vọng chứ không phải vì điều đó ít rủi ro nhất.
-          Muốn chơi, thì phải chuẩn bị trước khả năng tài chính để trả khi thua.
-          Đó là một cuộc chơi lâu dài. Ban sẽ chiến thắng hay thất bại trong các ván chơi, nhưng điều quan trọng nhất là chuyện gì xảy ra về sau mới là điều quan trọng.
4. Chiến lược:
-          Đừng chơi trò mà bạn không hiểu, hay thậm chí chưa nhìn thấy nhiều người kiếm được nhiều tiền từ nó.
-          Hãy tính toán trò chơi khi tiền cược chưa cao.
-          Đừng lừa đảo bằng những thủ thuật vớ vẩn. Những kẻ lừa lọc chẳng bao giờ chiến thắng lâu dài.
-          Kiên định với nguyên tắc của bản thân.
-          Điều chỉnh linh hoạt lối chơi khi cuộc chơi thay đổi.
-          Người chơi có khả năng chịu đựng và tập trung cao độ sẽ giành chiến thắng
-          Hãy trở nên khác biệt, đừng làm những gì giống với những người chơi còn lại
-          Hy vọng không phải là một kế hoạch hay
-          Đừng để mình mất sức. Hãy nghỉ ngơi khi cần thiết và trở lại khi nào cảm thấy sẵn sàng.
5.  Liên tục học hỏi:
-          Hãy tự nâng cao hiểu biết cho bản thân, hãy đọc sách và học hỏi từ người khác, những người đã trải nghiệm điều đó trước bạn.
-          Hãy học cách thực hành, phải nắm vững căn bản lý thuyết, nhưng kinh nghiệm thực tiễn còn quý báu hơn.
-          Học từ những người tài năng xung quanh bạn
-          Đừng ngại ngần xin nhờ tư vấn.
-          Thắng một ván không có nghĩa là thắng tất cả.
6. Văn hóa:
-          Bạn đang thích trò chơi đó. Để trở thành người chơi giỏi, bạn cần phải ăn nằm ngủ nghỉ, mơ cũng mơ về nó.
-          Đừng kiêu căng tự phụ và khoe khoang, núi cao còn có núi cao hơn.
-          Hãy thân thiện và kết bạn thật nhiều. Thế giới thật nhỏ bé.
-          Hãy chia sẻ những gì bạn học được cho người khác.
-          Hãy tìm kiếm những cơ hội ngoài trò chơi, từ những mối quan hệ khi chơi.
-          Hãy tận hưởng sự vui vẻ. Trò chơi chỉ vui hơn khi bạn cố gắng làm điều gì đó cao hơn mục đích kiếm tiền.
Học cách ra quyết định trong cuộc sống
Và bài học quan trọng nhất mà Tony muốn chia sẻ, đó là về việc ra quyết định.  Quyết định chọn bàn chơi, người chơi cùng v.v… Trong kinh doanh, một trong những quyết định quan trọng nhất mà doanh nhân phải đưa ra chính là ngành nghề kinh doanh (thị trường) nào mà mình nên tham gia. Cho dù bạn có là một CEO giỏi tới mức độ nào đi chăng nữa thì tất cả những gì bạn làm sẽ vô nghĩa nếu ngành kinh doanh bạn chọn là sai lầm hoặc ngành đó có thị trường quá nhỏ.
Cho dù bạn có là nhà kinh doanh giỏi nhất, cung cấp sản phẩm tốt nhất nhưng thị trường không đủ lớn để tiêu thụ, thì bạn cũng không phát triển hơn được.
Nếu bạn quyết định bắt đầu sự nghiệp kinh doanh để cạnh tranh với những đối thủ đầy kinh nghiệm như Thế giới di động, Vinamilk, Coop Mart,… bằng cách chơi cùng trò chơi với họ (có thể bán cùng sản phẩm với giá thấp hơn) thì bạn cũng có nguy cơ bị phá sản (Cạnh tranh về giá là chiến lược tồi nhất và phá hoại thị trường, he he).
Trong poker, bạn có thể lựa bàn muốn chơi. Nhưng trong kinh doanh, Tony nghĩ rằng anh không cần phải cứ ngồi vào một cái bàn có sẵn (thị trường).  Chúng ta có thể tự xác định hoặc tự tạo ra lĩnh vực mình đã làm hoặc có khả năng tốt hơn những người khác. Và thị trường luôn luôn có thể được mở rộng nếu bạn biết cách.
Thêm một chút nữa về Tỷ Phú Bán Giày
Nếu bạn có một ít kiến thức về kinh doanh, thương hiệu, văn hóa, quản trị nguồn nhân lực, một ít về leadership (căn bản các khái niệm thôi) thì bạn sẽ tận hưởng quyển sách của Tony với hàng trăm điều thú vị bất ngờ khác nữa. Nếu không thì cũng có hàng khối điều cho bạn học hỏi từ cuộc đời của anh.
Riêng cá nhân tôi, việc Alpha book đặt tựa Tỷ phú bán giày có lẽ kết hợp 2 yếu tố, 1 là mô tả cái kết quả tốt đẹp khi Zappos được Amazon mua lại với giá 1,2 tỷ USD và một phần để thu hút độc giả Việt mua sách (làm giàu, tỷ phú mà ai chẳng thích). Nhưng với tựa như vậy, thì lại bỏ quên nội dung của quyển sách, chính xác cụm từ Delivering Happiness mới diễn tả được hết những điều mà Tony muốn chia sẻ qua một quyển sách, đó là một cái tựa cực kỳ hay, tôi nghĩ rằng tựa này cũng chính do Tony đặt cho quyển sách của anh.
Văn phong không trau chuốt, Tony chia sẻ khá thẳng thắn, súc tích, ngắn gọn ấy thế mà sách Tiếng Việt cũng đã hơn 300 trang.
Trước đây khi đọc các quyển sách khác của mọi loại nhà xuất bản, hầu hết tôi đều cảm thấy bị tác giả lừa dối khi kết thúc 300-500 trang dày cộm với một nỗi bực tức về sự dài dòng của tác giả, “Những thứ này chỉ cần 30-50% số trang, hoặc thậm chí là chỉ 10% thôi!”. Với Delivering happiness thì không. Alpha book đã làm quá tốt, có lẽ cũng cứu vãn được phần lớn những công sức trước giờ họ bỏ ra khi cất công đem sách về cho người Việt.
Độc giả bây giờ đã thông minh hơn rất nhiều và cũng dễ chọc giận, họ thường đọc cả sách gốc và sách biên dịch qua tiếng Việt để so sánh, và có những người sẽ điên tiết vì không vừa lòng với chất lượng dịch của một quyển sách/nhà xuất bản nào đó, sẵn sàng lập những hội Anti trên Social network (facebook, zingme) để tẩy chay một thương hiệu xuất bản, Alpha book cũng có 1 Anti fanspage trên facebook, he he.
Alpha book có rất nhiều đầu sách hay, nhưng thật đáng tiếc là nội dung biên dịch lại không phải lúc nào cũng tốt, thậm chí có những quyển sách dịch rất chuối. Tôi vốn không giỏi tiếng Anh, tôi không đọc sách gốc, nên cách tôi so sánh là có những kiến thức chung tôi đã đọc ở quyển sách khác, khi đọc lại ở một phần nào đó của Alphabook thì lại thấy chuối kinh khủng.
Chuối ở đây, có nghĩa là dịch sai ý nghĩa của cả đoạn, chuối hơn nữa là lắp ghép những từ ngữ vô nghĩa vào trở thành một đoạn văn vô nghĩa. May mắn cho độc giả là đoạn đó vô nghĩa, còn xui xẻo thì nó tạo ra những ngữ nghĩa khác mà hiểu sai thì thật là nguy hiểm.
Thôi, chê bai nhiêu đó đủ rồi, các bạn liệu mà mua đọc thôi, không đọc đừng hối tiếc, he he.
(Vút bay blog)


0 nhận xét:

Đăng nhận xét